Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI SUY NIỆM VỀ LỄ MẸ SẦU BI

Đôi dòng lược sử

Antôn Lương Văn Liêm

- Năm 1668, Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được phép Toà Thánh mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Chúa Nhật thứ ba tháng 9.

- Năm 1704, Đức Clêmentê XI ban đại xá cho những ai tham dự lễ này.

- Năm 1814, Đức Piô VII lập lễ này trong khắp Giáo Hội để tạ ơn Đức Mẹ đã giải thoát Đức Thánh Cha khỏi sự quản thúc của vua Napoléon.

- Đức thánh Piô X quyết định chuyển lễ từ Chúa Nhật thứ ba tháng 9 sang ngày 15-9, ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá, để liên kết cuộc đồng thụ nạn của Mẹ Maria với Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngoài việc thiết lập Thánh lễ, còn có những hình thức đạo đức kính Đức Mẹ Sầu Bi.

* Hình thức sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi qua việc suy niệm 7 Sự Đau Đớn Đức Mẹ, kèm theo 7 kinh Kính Mừng sau mỗi suy niệm được Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ khởi xướng năm 1646.

* Trong Toàn niên Kinh nguyện Giáo phận Bùi Chu, Đức cha Đaminh Hồ ngọc Cẩn sửa đổi lại: một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh sau mỗi ngắm.

Ngày 8/9 vừa qua, ta cùng với Giáo Hội hân hoan mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, một Người Mẹ được Thiên Chúa yêu thương ban tặng cho nhân loại, để trở thành tấm gương trong đời sống làm con cái Chúa, trở thành cầu nối giữa Thiên Chúa và nhân loại, trở thành người Mẹ thay mặt Chúa chăm lo, an ủi, động viên con cái của Ngài đang sống nơi trần thế.

Hôm nay, ta được Giáo Hội mời gọi hướng về Mẹ Maria với hình ảnh và vai trò: Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại với tước hiệu “Đức Mẹ Sầu Bi”. Một người Mẹ, hay nói cách khác, một người phụ nữ đã mang trong cuộc đời những niềm vui, hạnh phúc và đầy những khổ đau. Mẹ mang trong đời những khổ đau không do chính mình gây ra, hoặc do hệ quả của tội lỗi; nhưng vì tình yêu! Yêu Chúa và yêu mọi người trong đời sống âm thầm lặng lẽ, trong khiêm nhu và bình dị, tin tưởng và hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa để được cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã tiền định.

Khi nói về cuộc đời của Mẹ Maria, đặc biệt về tình yêu và những đau khổ Mẹ gánh chịu, những nhân đức Mẹ đã sống như: khiêm nhu, xin vâng, thinh lặng, âm thầm, thì không ngòi bút nào, không lời thơ, lời nhạc hay ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được. Vì sao? Xin thưa! Vì những gì ta biết về Mẹ chỉ được gói gọn một vài đoạn rất ngắn trong trình thuật Tin Mừng của các Thánh sử, nhiều nhất là của Thánh Luca (chương 1-2), Gioan (chương 2-19).

Đời sống của các bà mẹ trần gian, luôn song hành với con trong mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống, đặc biệt là những lúc con thành danh, được mọi người ca tụng, yêu mến, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như khi mẹ đã khuất hoặc vì hoàn cảnh ngăn sông cách núi. Những lúc như thế người mẹ hãnh diện vì con, nở mày nở mặt với bà con, xóm giềng, chia vui và động viên con sống tốt và cố gắng hơn nữa.

Còn Mẹ Maria Mẹ Chúa thì sao? Theo như trình thuật Tin Mừng, những lúc Chúa thực hiện các phép lạ vĩ đại như: chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, hoá bánh ra nhiều, kẻ điếc được nghe, người ngọng, câm nói được, kẻ chết sống lại; sau những phép lạ, tất cả người được chữa lành, chứng kiến đã tung hô thậm chí muốn đưa Ngài lên làm vua; những lúc như thế ta không thấy hình ảnh của Mẹ Maria, ngay cả phép lạ mà Mẹ xin với Chúa nơi tiệc cưới Cana, sau khi Mẹ nhắn nhủ các gia nhân: “Ngài bảo gì, anh em hãy làm theo”, Mẹ đã lui gót để vinh quang của Chúa được tỏ lộ (x. Ga 2,1-11). Hình ảnh của Mẹ ở bên Chúa rõ nét nhất được Thánh sử Gioan lược ghi: “Đứng gần Thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,25-27). Điều đó nói lên đời sống và những việc làm của Mẹ luôn mang trong tâm vì Chúa và vì mọi người, xoá mình đi để Chúa được tỏ lộ, xoá mình đi để mọi người nhận ra và đến với Chúa.

Tuy cuộc đời của Mẹ Maria được mô tả ngắn gọn trong một vài chương của Tin Mừng. Nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, dạy dỗ, soi sáng qua Lời Chúa, Giáo Hội dần nhận ra được vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Từ đó Giáo Hội dạy dỗ và mời gọi con cái mình hướng về Mẹ Maria với nhiều tước hiệu, trong đó có tước hiệu “Đức Mẹ Sầu Bi” ta mừng kính hôm nay, để cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương mời gọi nhân loại cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại của Ngài qua Mẹ Maria, và cũng nhắc nhở mọi người không phân biệt phẩm trật, màu da, ngôn ngữ, sang hèn. Tất cả đều được Chúa mời gọi cộng tác vào chương  trình Thiên Chúa đã hoạch định.

Hướng về Mẹ Maria “Sầu Bi” là ta tưởng nhớ lại những đau khổ, khó khăn, thách đố, những vết thương Mẹ mang trong trái tim của Mẹ để cùng với Chúa trở thành “Đồng Công” cứu chuộc nhân loại luôn lỗi lầm, vong ân bội nghĩa với tình yêu của Thiên Chúa trong cách sống đạo cũng như đời thờ ơ, không tha thứ, quên đi chữ yêu và tỏ hiện chữ yêu như Chúa đã dạy.

Qua đó, ta xin Mẹ giúp ta dần trong cuộc sống, biết cảm nghiệm tình yêu của Chúa dành cho ta qua Mẹ Maria, biết xoa dịu đi những vết thương lòng của Mẹ bằng đời sống chuyên tâm cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, yêu thương, tha thứ, nhất là luôn học hỏi và noi gương những nhân đức của Mẹ.

Giữa cuộc sống đầy những hệ luỵ của tội lỗi của khổ đau, thử thách, những vết thương lòng do tội lỗi gây ra, do những sự hiểu lầm, những khinh khi của những người anh em, ta xin Mẹ an ủi, hàn gắn, nâng đỡ ta trong từng ngày sống. Cuối cùng, ta xin Mẹ giúp ta đừng bao giờ gây nên vết thương lòng cho những người anh em.

BẢY LƯỠI GƯƠM ĐÂM THÂU TRÁI TIM MẸ MARIA

Được Chúa Thánh Thần soi sáng, thúc đẩy, Cụ ông Simêon đã tiên báo những tháng ngày còn lại của cuộc đời Mẹ Maria trong ngày Mẹ tiến dâng Chúa Giêsu Hài Đồng lên cho Thiên Chúa theo luật truyền: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

Vâng! Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm trong cuộc đời của Mẹ, không chỉ một lưỡi gươm mà nhiều lưỡi gươm đã xuyên thâu trái tim Mẹ, điển hình như trong Tin Mừng đã trình thuật đôi nét. 

Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, lòng yêu mến Đức Mẹ, các nhà chú giải Kinh Thánh, các đức giáo hoàng, giám mục và tu sĩ nam nữ, nhiều trong số các vị đã trở thành Thánh Nhân đã lược ghi, mời gọi mọi người chiêm ngưỡng và suy niệm nơi trái tim Mẹ Maria với 7 lưỡi gươm xuyên thâu:

Lưỡi gươm thứ nhất

Mẹ đón nhận lời tiên báo của cụ ông Simêon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

Lưỡi gươm thứ hai

Mẹ đang hạnh phúc bên con trẻ Giêsu giữa đêm khuya giá lạnh của trời đông. Bỗng dưng được tin cấp báo của Thánh cả Giuse lên đường đưa Con Trẻ đi lánh nạn: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13).

Lưỡi gươm thứ ba

Cả gia đình hân hoan cùng với mọi người trẩy hội đền thờ dự lễ vượt qua, niềm vui tan biến, thay vào đó là nỗi buồn, lo lắng, âu sầu ập đến với Mẹ, khi Mẹ lạc mất Con yêu. Để rồi Mẹ vội vã tìm con trong vất vả, lắng lo, buồn phiền: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46).

Lưỡi gươm thứ tư

30 năm Mẹ cùng với Con nơi mái nhà Nazareth, cùng đồng cam cộng khổ trong mưu kế sinh nhai, cùng cầu nguyện, cùng sống chan hoà yêu thương với hàng xóm láng giềng. Ngày Con từ giã Mẹ lên đường thi hành sứ vụ, Mẹ buồn… Nhưng Mẹ biết đó là ý định của Thiên Chúa, Mẹ âm thầm lặng lẽ theo Con. Bỗng Mẹ nhận được tin dữ khi người ta kết án tử Con yêu: “Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá” (Ga 19,16).

Lưỡi gươm thứ năm

Ngày Mẹ gặp Con yêu trên đường thập giá, lòng Mẹ tan nát, cũng đôi chân đó ngày ngày rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm vùng Palestine để thi ân giáng phúc, để dạy dỗ chân lý. Giờ đây, cũng đôi chân đó đang phải lê từng bước sau bao nhiêu nhục hình và với thập hình đè nặng trên vai Con: “Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ” (Lc 23,27).

Lưỡi gươm thứ sáu

Mắt Mẹ lệ nhoà, trái tim Mẹ như vỡ ra trăm mảnh, đôi tay run rẩy khi Mẹ ẵm lấy xác Con. Còn đâu nữa hình ảnh Con vì yêu Mẹ đã thực hiện phép lạ đầu tiên nơi tiệc cưới Cana, còn đâu nữa hình ảnh và giọng nói của Con giảng dạy trong hội đường khi một trong số người nghe giảng đã cất lời khen: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11,27). Giờ đây, trên đôi tay Mẹ, con yêu chỉ còn là cái xác đầy thương tích, sau khi đã chịu mọi cực hình, chịu đóng đinh vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp: “Khi ấy có một người tên là Giôxếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng… Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống” (Lc 23,50-53).

Lưỡi gươm thứ bảy

Ngày khởi đầu của Con yêu nơi hang đá Belem Mẹ hạnh phúc bao nhiêu, thì giờ đây Mẹ đau đớn bấy nhiêu khi xác Con yêu được táng trong mộ đá, còn đâu nữa nụ cười ngây thơ dễ thương của Con những ngày đầu đời; còn đâu nữa tiếng gọi Mẹ ơi khi Con cất những tiếng nói đầu đời; còn đâu nữa tiếng nguyện cầu cùng Mẹ nơi mái nhà Nazareth; còn đâu nữa giọng thuyết giảng của Con đầy sức mạnh của Thiên Chúa và những lời Con an ủi, động viên những kẻ khốn cùng… Trái tim Mẹ như muốn ngừng đập theo Con: “Cùng đi với ông Giôxếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào” (Lc 23,55).

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria! Con đường đi theo Chúa là con đường khổ giá, con đường gánh chịu những vết thương từ bỏ ý riêng, hy sinh, phục vụ vì tình yêu dành cho Chúa và cho nhau, Mẹ đã đi trọn con đường đó, qua đời sống, Mẹ sống kết hợp mật thiết với Chúa.

Xin Mẹ dẫn con đến với Chúa, để tạ lỗi với Chúa vì sự thờ ơ, thoái thác bước theo con đường Chúa đã vạch sẵn cho con.

Xin Mẹ giúp con biết noi gương Mẹ, luôn sống kết hợp mật thiết vơi Chúa qua đời sống cầu nguyện, đặc biệt là kết hợp với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể. Nhờ đó mà con mới có sức mạnh đi tron con đường Chúa đã hoạch định cho con.

Mẹ đã gánh chịu những vết thương lòng của khổ đau, thử thách, buồn phiền, xin Mẹ nâng đỡ con, an ủi con và tất cả mọi người đang mang trong tâm những buồn khổ; xin đồng hành với con và mọi người trong những lúc gặp gian nan và thử thách trong cuộc sống này. Amen.